Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

HỆ THỐNG KINH LẠC và HUYỆT ĐẠO

I. Định nghĩa
Kinh lạc là những đường vận hành khí huyết trong cơ thể con người.Kinh là những đường ống chạy dọc theo cơ thể thông suốt khắp nơi,Lạc là rất nhiều những đường ống nhỏ hơn chạy ngang nối các Kinh với nhau.
Kinh mạch và Lạc mạch làm thành một hệ thống thống nhất hoàn chỉnh trong cơ thể con người và được goị là hệ Kinh Lạc.
II. Tác dụng của Kinh Lạc
Mười hai đường kinh mạch chính trong cơ thể liên hệ với Ngũ tạng,Lục phủ ở bên trong,với tứ chi-gân-khớp-da-lông ở bên ngoài thành một hệ thống thống nhất.Khí huyết trong cơ thể con người tuần hoàn không ngừng để duy trì sự cân bằng Âm-Dương,nuôi dưỡng gân,cốt,da,thịt bảo vệ sức khỏe con người chống lại ngoại tà xâm nhập.Sự tuần hoàn khí huyết có được phát huy đầy đủ hay không là nhờ chủ yếu vào hệ Kinh Lạc.
III. Những đường kinh cơ bản
Dinh khí bắt đầu từ Phế ở Trung tiêu theo kinh thủ Thái âm Phế đổ vào kinh Dương minh đại trường,đi tiếp theo 11 đường kinh tới kinh Quyết âm Can.Từ kinh Can đi lên đỉnh đầu đổ vào mạch Đốc,tiếp sang mạch Nhâm qua Khuyết bồn rồi trở về kinh Phế.Vòng tuần hoàn cứ như vậy.
Trong các đường kinh,có kinh Dương và kinh Âm.Khí vận hành theo vòng Đại chu thiên,giờ thịnh xuy theo thời sinh học,biến vi hoạt dụng theo Âm-Dương của Ngũ hành.
Dương khí mới phát sinh gọi là Thiếu dương.
Âm khí mới phát sinh gọi là Thiếu âm.
Dương khí cực thịnh gọi là Dương minh.
Âm khí tràn đầy gọi là Quyết âm.
Dương khí đại thịnh (tỏa rộng) gọi là Thái dương.
Âm khí đại thịnh (tỏa rộng) gọi là Thái âm.

A/ Mười hai đường kinh chính
Các tạng : Tâm-Tâm bào-Can-Tỳ-Phế-Thận có chức năng chứa các tinh khí vật chất của cơ thể,nó có thuộc tính Âm.Các đường kinh tương ứng với nó là các đường kinh Âm.
Các phủ : Tiểu trường-Tamtiêu-Đởm-Vị-Đại trường-Bàng quang có chức năng hoạt động về tiêu hóa,truyền dẫn bài tiết,nó có thuộc tính Dương.

1/ Kinh thủ Thái âm Phế
Bắt đầu đi từ Trung tiêu...huyệt Trung phủ (01) đi ra ở huyệt Thiếu thương (11) đầu ngón tay cái.
Kinh thủ Thái âm Phế mà tuyệt thì sẽ làm mất Phế khí,da lông không được nuôi dưỡng vì thiếu tân dịch.Da và lông sẽ bị tổn thương làm cho da khô,lông gãy rụng.Lông mày mà rụng là báo hiệu da lông đang chết trước.

 
2/ Kinh thủ Dương minh Đại trường
Bắt đầu đi từ huyệt Thương dương ( 1 ) ở đầu ngón tay trỏ…về đến huyệt nghinh hương (20).


3/ Kinh thủ Thiếu âm Tâm
Bắt đầu từ Thượng tiêu…huyệt Cực tuyền (1) đi ra đầu ngón tay út huyệt Thiếu xung (9).
Kinh thủ Thiếu âm Tâm mà tuyệt nó sẽ làm mất Tâm khí,huyết mạch không thông,dịch huyết không lưu hành khắp cơ thể,làm cho sắc da mất tươi nhuận.Sự biểu hiện ra ở mặt,sắc mặt mà vàng ải đen sạm là báo hiệu huyết đã chết trước.


4/ Kinh thủ Thái dương Tiểu trường
Bắt đầu từ huyệt Thiếu trạch (1) ở đầu ngón tay út…về đến huyệt Thính cung (19).


5/ Kinh túc Thái âm Tỳ
Bắt đầu từ huyệt Ẩn bạch (1) ở đầu ngón chân cái…về đến huyệt Đại bao (21).
Kinh túc Thái âm Tỳ mà tuyệt thì nó làm mất Tỳ khí,biểu hiện ra ở miệng môi.Tỳ chủ về cơ nhục nên màu sắc ở miệng môi biểu thị cho thịt tươi hay khô.Khi cơ nhục không còn trơn nhuận thì thịt trướng da căng ở thể cấp,khi môi quăn ngược lên là báo hiệu thịt đã chết trước.


6/ Kinh túc Dương minh Vị
Bắt đầu từ huyệt Thừa khấp (1) …đi ra huyệt Lệ đoài (45) ở đầu ngón chân trỏ.


7/ Kinh túc Thiếu âm Thận
Bắt đầu từ huyệt Dũng tuyền (1) lòng bàn chân…đi lên đến huyệt Du phủ (27).
Kinh túc thiếu âm Thận mà tuyệt thì sẽ làm mất Thận khí,xương không được sưởi ấm nữa nên xương khô.Xương không được Thận khí ôn dưỡng nên thịt không gắn chặt vào xương ( Cốt nhục bất kết ) làm cho bắp thịt mềm nhũn.Thịt mềm làm cho khí ở xương thoát ra ngoài,gây nên hiện tượng răng lồi tóc khô.Tóc không còn bóng mượt là báo hiệu xương đang chết trước.

8/ Kinh túc Thái dương Bàng quang.
Bắt đầu từ huyệt Tinh minh (1) đi dọc theo hai bên cột sống và đi ra ở ngón chân út tại huyệt Chí âm (67) Trên đường kinh Bàng quang có tất cả các du huyệt nên đường kinh này có vị trí đặc biệt.

 
9/ Kinh túc Quyết âm Can.
Bắt đầu từ ngón chân cái,huyệt Đại đôn (1) …đi về đến huyệt Kỳ môn (14).
Kinh túc Quyết âm Can mà tuyệt sẽ làm mất Can khí,gân mạch sẽ bị co thu lại.Vì kinh túc Quyết âm Can liên quan đến hệ Gân,phần nhiều hội tụ ở phần âm bộ và vùng cuống lưỡi.Khi Can khí tuyệt sẽ làm cho lưỡi thụt vào,hòn dái thun lên,nó báo hiệu rằng Gân đã chết trước ở bên trong.


10/ Kinh túc Thiếu dương Đởm.
Bắt đầu từ đuôi mắt ngoài,huyệt Đồng tử liêu (1) …đi ra ngón chân áp út huyệt Túc khiếu âm (44). 


11/ Kinh thủ Quyết âm Tâm bào
Bắt đầu từ Thượng tiêu ( Tâm bào lạc ) huyệt Thiên trì (1) …đi ra đầu ngón tay giữa,huyệt Trung xung (9)


12/ Kinh thủ Thiếu dương Tam tiêu.
Bắt đầu từ ngón tay đeo nhẫn,huyệt Quan xung (1) …đi về đến huyệt Ty trúc không (23). 

B/ Bát Mạch Kỳ Kinh
Tám mạch Kinh này đi riêng lẻ độc lập với 12 đường Kinh chính.
1/ Mạch Đốc
Khởi đầu từ huyệt Trường cường (1) ở mô xốp xương cùng cột sống theo cột sống đi lên qua các huyệt Mệnh môn,Linh đài,Ngọc chẩm, Ấn đường và kết thúc ở Ngân giao (28).
Mạch Đốc có nhiệm vụ tổng quản tất cả các đường kinh dương ở sau lưng, đưa Dương khí đến nuôi dưỡng vùng đầu não.

2/ Mạch Nhâm
Khởi đầu từ huyệt Hội âm (1) phía trước hậu môn, đi ở phía bụng lên qua huyệt Khí hải (Đan điền), Đản trung,Thiên đột và kết thúc ở huyệt Thừa tương (24).
Mạch Nhâm có nhiệm vụ tổng quản tất cả các đường kinh âm phía trước bụng,có nhiệm vụ chăm sóc Bào cung và hệ sinh dục.

3/ Mạch Xung
Dùng để điều tiết khí huyết trong cơ thể đồng thời làm bể chứa khí và huyết thừa trong kinh mạch.Nó khởi đầu từ huyệt Hoành cốt (1) và kết thúc ở môi.

4/ Mạch Đới.
Mạch Đới liên kết 3 đường kinh Dương,3 đường kinh Âm ở hai chân với 2 mạch Nhâm - Đốc.Nó chạy vòng quanh bao bọc cho Đan điền để hỗ trợ cho việc phát sinh Chân khí, để giằng giữ cho các kinh Âm-Dương không bị rối loạn.

5/ Mạch Dương kiểu.
Là mạch liên hệ với 3 kinh Dương ở chân,quản lý kinh Dương toàn thân.Dương kiểu đi vào Âm thì làm cho nhắm mắt buồn ngủ.
Bắt đầu từ huyệt Thân mạch ở dưới mắt cá ngoài đi lên đến khóe mắt trong,hợp với Âm kiểu để cùng đi lên não rồi lại quay xuống khóe mắt ngoài.

6/ Mạch Âm kiểu.
Là mạch liên hệ với 3 kinh Âm ở 2 chân,quản lý kinh Âm toàn thân. Âm kiểu đi vào Dương thì làm cho mở mắt,không buồn ngủ.
Bắt đầu từ huyệt Chiếu hải (1) ở dưới mắt cá trong đi lên đến khóe mắt trong,hợp với Dương kiểu cùng đi lên não rồi lại quay xuống khóe mắt ngoài.

7/ Mạch Dương duy.
Là mạch liên hệ với các kinh Dương ở tay và mạch Đốc.Nó ràng buộc các kinh Dương,có chức năng điều hòa Âm-Dương để giữ thăng bằng cho cơ thể ở bên ngoài.
Bắt đầu từ huyệt Kinh môn (1) ở mặt ngoài gót chân đi lên và kết thúc ở huyệt Dương bạch (15).

8/ Mạch Âm duy.
Là mạch liên hệ với 3 kinh Âm ở 2 chân và mạch Nhâm. Nó ràng buộc các kinh Âm,có chức năng điều hòa Âm-Dương để giữ thăng bằng cho cơ thể ở bên trong.
Bắt đầu từ huyệt Trúc tân (1) ở mặt trong cẳng chân đi lên và kết thúc ở huyệt Liêm tuyền (8)

        
12
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét